Lời Chúa 19.05.2018 – Thứ bảy tuần VII Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 21: 20-25
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm qua và bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay làm nên phần kết của sách Tin Mừng theo thánh Gioan.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, hình ảnh thánh Phê-rô được nêu bật như là người mục tử, với sứ mạng chăn dắt đoàn chiên, dựa trên tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » được đưa lên hàng đầu, cùng với những lời chứng mà người môn đệ này để lại cho chúng ta.
- Ở lại
Trả lời cho câu hỏi với ít hiều tò mò của thánh Phê-rô về Người môn đệ Đức Giê-su thương mến : « Thưa Thầy, còn anh này thì sao ? », Đức Giê-su nói : « Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? » Câu trả lời của Đức Giê-su không phải là một giả định không có thật, nhưng nói tới trường hợp Chúa muốn và trong thực tế, Ngài đã muốn như vậy : Ngài muốn rằng Người môn đệ Ngài thương mến « ở lại » cho tới khi Ngài đến. « Ở lại », chứ không phải cứ sống mãi « không chết », như lời đồn được lan truyền giữa các môn đệ.
Vậy, « ở lại » theo Đức Ki-tô Phục Sinh có nghĩa là gì ? Bởi vì, một người có thể ở lại hay hiện diện theo những cách thức khác nhau : bằng chính con người thể lí của mình, hoặc bằng chính tác phẩm hay công trình của mình. Vì thế, lời của Đức Ki-tô không hướng trực tiếp tới sự hiện diện thể lí của Người môn đệ Ngài thương mến, nhưng hướng tới sứ điệp Tin Mừng mà Người môn đệ đã thấm nhuần sâu xa và truyền đạt lại cho chúng ta.
- Lời chứng
Như thế, Đức Ki-tô muốn mặc khải cho thánh Phê-rô rằng, theo ý muốn của Ngài, lời chứng của Người môn đệ Ngài thương mến sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế, cho đến lúc Ngài trở lại. Và như chúng ta đã có thể nhận ra, quyết định này của Đức Ki-tô về Người môn đệ Ngài thương mến đang được thực sự thực hiện : một đàng, Người môn đệ này nhấn mạnh đặc biệt đến giá trị của lời chứng mà mình để lại trong Tin Mừng thứ tư : « Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực » ; và đàng khác, Giáo Hội và mỗi người chúng ta càng ngày càng khám phá ra giá trị bất hủ và thâm sâu của lời chứng mà Người môn đệ Đức Ki-tô thương mến để lại trong sách Tin Mừng của mình.
Đặc biệt, trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, và nhất là trong những tuần vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm cách đặc biệt dung nhan rạng ngời của Đức Ki-tô, theo Tin Mừng Gioan, nghĩa là Tin Mừng của Người môn đệ Đức Giê-su thương mến.
- Người môn đệ Đức Giê-su thương mến
Ngoài ra, lời của Đức Ki-tô về Người môn đệ Ngài thương mến còn có thể mang một ý nghĩa khác, khi chúng ta không nhìn Người môn đệ như là thánh tông đồ Gioan, nhưng như là hình ảnh tiêu biểu của người môn đệ đi theo Đức Ki-tô. Và theo Đức Ki-tô phục sinh, hình ảnh này sẽ tồn tại mãi cho tới khi Ngài đến.
- Bởi vì, đó là hình ảnh Người môn đệ có một tương quan thiết thân với Đức Giê-su. Trong bài Tin Mừng, có một minh họa tuyệt vời cho mối tương quan thiết thân này : « ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối ».
- Bởi vì, đó là hình ảnh Người môn đệ đã nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh, khi nhìn thấy các dấu chỉ Ngài để lại trong ngôi mồ mở.
- Bởi vì đó là hình ảnh Người môn đệ đã nhận ra Đức Ki-tô hiện diện sống động trên bờ hồ Tiberia, nghĩa là ngay trong đời thường, khi nhìn thấy dấu chỉ mẻ cá lạ.
- Và bởi vì, đây là lí do quan trọng nhất, đó là hình ảnh Người môn đệ đã kinh nghiệm thật sâu xa tình yêu mà Đức Giê-su đã dành cho mình, và đã đi theo Ngài, cũng bằng tình yêu, cho đến cùng.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhận ra chính mình, dù còn đầy bất toàn và tội lỗi, là « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », để cho lời của Đấng Phục Sinh được ứng nghiệm hôm nay và cho đến khi Ngài trở lại.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc