Lòng Chúa Xót Thương

Lời Chúa ngày 04-07-2018 THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa:  Mt 8: 28-34

“Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra; chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua lại đường ấy. Và chúng kêu lên rằng: “Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?” Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo”. Người bảo chúng rằng: “Cứ đi”. Chúng liền ra khỏi, đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.

Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng của họ.

Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM:

Theo cha Gabrielle Amorth, vị trừ quỷ chính của giáo phận Rôma,

“số người bị quỷ ám đã gia tăng rất nhiều.”

Trong vòng tám năm, chính cha đã trừ cho hơn hai mươi ngàn trường hợp.

Con số kinh khủng này hẳn là một nhắc nhở cho những ai nghĩ rằng

quỷ vắng bóng trong thế giới của khoa học kỹ thuật,

quỷ chỉ là huyền thoại của thế giới cách đây hai ngàn năm thời Đức Giêsu,

hay quỷ ám thật ra chỉ là bệnh thần kinh vào thời y khoa chưa phát triển.

Trong cuộc hội kiến vào tháng 8-1986, Đức Gioan Phaolô đã nói

sự hiện diện của quỷ trong thế giới “ngày càng trở nên ghê gớm hơn

khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa.”

Tin Mừng hôm nay là trình thuật đầu tiên về trừ quỷ của thánh Mátthêu.

Chuyện này đã được Máccô kể lại với nhiều chi tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).

Nhưng trong Mátthêu, khuôn mặt Đức Giê su lại nổi bật hơn nhiều.

Ngài đã cùng với các môn đệ qua bờ bên kia sau khi gặp cơn bão biển.

Khi Ngài đến vùng đất của người Gađara, ở phía đông nam Hồ Galilê,

hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra, đến gặp Ngài (c. 28).

Mồ mả là nơi dành cho người chết, nơi bị coi là nhơ uế, nơi của thần dữ.

Có hai nét giúp ta nhận ra sự hiện diện của quỷ nơi những người bị ám.

Họ rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại con đường ấy (c. 28).

Họ nhận biết ngay Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (c. 29).

Sức mạnh kinh khủng và sự hiểu biết lạ lùng là thế mạnh của thần dữ.

Nhưng đây cũng là điểm yếu của quỷ khi đứng trước Đức Giêsu.

Chính vì thế chúng hoảng sợ khi thấy mình bị đe dọa:

“Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?”

Đức Giêsu đến sớm quá và khiến cho quyền lực của chúng phải sụp đổ.

Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thường có nhiều câu hỏi.

Tại sao quỷ lại xin nhập vào đàn heo? Tại sao Đức Giêsu lại đồng ý?

Đàn heo chết đuối thì quỷ ra sao? Phải đền người chủ đàn heo thế nào?

Mátthêu có vẻ không quan tâm đến những câu hỏi ấy.

Điều ông quan tâm là làm nổi bật quyền năng của Đức Giêsu.

Chỉ một lời Ngài phán: “Đi !” là đuổi được quỷ ra khỏi hai người.

Nước Trời đến đem lại bình an cho hai người quỷ ám ở trong mồ mả,

và cho những ai qua lại lối đi ấy.

Không thấy các người dân ngoại chăn heo kêu ca về chuyện mất đàn heo,

nhưng họ lại trở nên những người loan báo cho dân thành về mọi chuyện.

Tiếc là dân thành đã không muốn đón tiếp Ngài.

Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng.

Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người.

Chúng phân ly con người, đẩy người sống vào mộ người chết,

biến con người thành mối đe dọa cho con người (c. 28).

Chúng thích có mặt ở đàn vật ô uế, thích gieo vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).

Xin Chúa cho ta thấy được sự lộng hành của quỷ dữ trong thế giới hôm nay.

Và xin Chúa cứu ta khỏi nanh vuốt của ác thần.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ