Lời Chúa 07-06-2018 THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Lời Chúa: Mc 12: 28b-34
“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’. Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Người: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Trong những ngày cuối tại Giêrusalem,
Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm
về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27).
Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy,
và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý.
Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị.
Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình
thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm.
“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” (c. 28).
Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc.
Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài.
“Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.”
Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông.
Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33).
Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33).
Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở.
Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn :
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34).
Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu.
Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31).
Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai.
Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”.
Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình
bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực,
và yêu tha nhân như yêu chính mình (cc. 29-31).
Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.
Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá
đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân.
Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá.
Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật,
thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân
cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình.
Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín.
Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự :
Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội?
Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa.
Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu.
Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa,
và biến đời tôi thành tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)