Lòng Chúa Xót Thương

Lời Chúa ngày 23-09-2018 CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Mc 9: 29-36 (Hl 30-37)

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Đó là lời Chúa.

 

 SUY NIỆM:

Các kỷ lục thế giới cứ được nâng cao hoài,

vì ai cũng muốn phá kỷ lục để được đứng nhất:

chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, ném xa nhất…

Các đĩa nhạc chỉ muốn nằm mãi trong top-ten,

Các cuốn sách chỉ muốn là sách bán chạy nhất.

Ðẹp nhất, giỏi nhất, giàu nhất, thế lực nhất…

Cuộc sống quả là một cuộc tranh đua không ngừng.

Các nhà tâm lý học coi những tranh đua đó

là cần thiết để hình thành nhân cách.

Các nhà xã hội học coi những tranh đua đó

là cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội.

Tiếc thay, lắm khi người ta đã dùng bao mưu mô

để đạt được và giữ được vị trí hàng đầu.

Ðôping trong thể thao chỉ là một thí dụ nhỏ.

Ngay trong Nhóm Mười Hai cũng có tranh chấp.

Sau khi Ðức Giêsu loan báo con đường hẹp của khổ đau,

các môn đệ vẫn chưa ra khỏi được con đường của mình.

Ðang lúc đi đường mà các ông cũng cãi nhau

xem ai là người lớn nhất trong nhóm.

Ðức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới hỏi

như thể Ngài không biết rõ đầu đuôi.

Các môn đệ làm thinh không trả lời.

Ðức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng lẽ cần thiết ấy

để mỗi người trở về với bao thèm khát của lòng mình,

đối diện với bao tham vọng đang sôi sục.

Ðức Giêsu ngồi xuống thư thái như một vị thầy.

Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh đạo Hội Thánh tương lai.

Ngài dạy cho họ con đường trở nên lớn lao thực sự:

“Nếu ai muốn làm người đứng đầu,

thì phải làm người đứng cuối mọi người

và phục vụ mọi người.”

Ðức Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm.

Người lớn nhất, người đứng đầu

không phải là người dùng quyền

để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao,

nhưng là người đến trước mọi người

và về sau mọi người, để phục vụ.

Khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực sự lớn lên

trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em.

Người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.

Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền

đều không phải là điều xấu,

nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ.

Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối,

thì còn ai muốn đứng đầu nữa không?

Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu

theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ.

Ai trong chúng ta cũng có chút ít quyền hành,

cũng là người đứng đầu một tập thể nho nhỏ.

Ước gì chúng ta không để mình bị hư hỏng vì quyền hành,

nhưng biết dùng quyền hành

để đem lại hạnh phúc cho tha nhân.

 

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

 hưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

 không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Ðiều mà ngươi làm

 cho người bé mọn nhất trong anh em

 là làm cho chính Ta.”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J